10.000 doanh nghiệp có thể bị thanh tra về việc sử dụng bản quyền phần mềm, sau khi tổ chức Liên minh phần mềm BSA công bố báo cáo kết quả mờ nhạt của quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam.
Theo đó, BSA hiện đang xem xét hồ sơ của 3.500 công ty ở phía Bắc, 1.500 công ty ở khu vực miền Trung và 5.000 công ty ở phía Nam.
Các luật sư tại BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam để tiến hành thanh tra vào tháng 12 nhằm phát hiện thêm các vi phạm luật pháp quốc tế về IP và an ninh mạng quốc gia.
Ông Tarun Sawney, giám đốc cấp cao của BSA, cho biết: “Có hàng chục ngàn công ty ở Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, và thực tế là có rất ít CEO đứng ra giải quyết vấn đề này, nhìn nhận đó là hành động vô trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo mật dữ liệu của công chúng và quốc gia vào nguy cơ bị tấn công. Điều này cần phải dừng lại”.
BSA cảnh báo CEO của các tập đoàn không tuân thủ rằng các chính phủ ASEAN đang cùng hợp tác để thực thi luật bản quyền phần mềm. Các CEO không hợp pháp hóa phần mềm tại công ty họ có thể phải đối mặt với các hình phạt và vấn đề pháp lý khác.
Trước đó, theo khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA, tỷ lệ sử dụng phần mềm không được cấp phép của Việt Nam là 75%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%.
Cho đến nay, các công ty Việt Nam tại 33 tỉnh thành đã hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ nhưng chỉ có 50 công ty là được ghi nhận có nỗ lực đáng kể. TP.HCM đã hợp pháp hóa khoảng 30% so với Hà Nội. Các tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa được khoảng 200 máy tính.
“CEO tại Việt Nam nên hiểu rằng cần chủ động hợp pháp hóa bây giờ hơn là để gặp phải các rắc rối về sau,” ông Sawney cho biết, “CEO phải nhìn nhận rằng phần mềm hợp pháp là cách tốt nhất để tránh các thiệt hại trên quy mô lớn về an ninh mạng, luật pháp, và thiệt hại về danh tiếng. Cần có những nỗ lực lớn hơn từ phía chính phủ và các CEO để thúc đẩy thay đổi văn hóa doanh nghiệp trong việc sử dụng phần mềm theo hướng hợp pháp và chính hãng”.