Khi thời gian trẻ em lên mạng còn nhiều hơn thời gian xuất hiện ở các sân chơi ngoài trời hay những hoạt động giải trí phù hợp lứa tuổi, thì đây là lúc chúng ta nên nhìn lại những gì các con đang thực sự làm trên không gian mạng. Nơi đó có an toàn và lành mạnh với các con hay không? Phải làm gì để trẻ em có được những liều “vắc-xin số” trước những “tác nhân độc hại” trên mạng?
Trẻ em có đang bị Internet điều khiển?
Máy tính, điện thoại thông minh, bảng điều khiển trò chơi điện tử, tivi,… là những gì trẻ em học hỏi và sử dụng nhanh hơn sự tưởng tượng của người lớn sự tưởng tượng của người lớn. Không thể phủ nhận những lợi ích việc trẻ tiếp cận với Internet: học trực tuyến trong đại dịch Covid-19, thư giãn, giải trí và bổ sung vốn kiến thức xã hội… Internet tiện ích đến nỗi, nhiều phụ huynh ngày nay mặc định đó là công cụ “giải cứu” sự phiền toái của con cái như hỏi han nhiều, quấy nhiễu, làm nũng. Theo thời gian, nhiều người không nhận ra con mình “làm bạn” với Internet nhiều hơn cả bố mẹ hay bạn bè, thầy cô. Lúc này, Internet bộc lộ những mặt trái với những nội dung độc hại mà bản thân trẻ em chưa đủ nhận thức để phân biệt “tốt – xấu”.
Ngoài ra, khi nhận được thắc mắc về các vấn đề nhạy cảm hay tiếp cận thông tin sai lệch của con cái, một số phụ huynh thay vì trò chuyện để thấu hiểu và giáo dục lại cấm trẻ sử dụng Internet như một hình phạt. Cách làm này có phải hướng giải quyết đúng đắn để bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng hay chỉ là giải pháp tạm thời mang lại tác dụng phụ?
Những con số biết nói
Từ việc là người chủ động tiếp cận các nội dung trên mạng, nếu không có sự giám sát và hướng dẫn của người lớn, trẻ có thể dễ trở thành đối tượng thụ động, bị kẻ xấu dẫn dắt, lôi kéo, nhồi nhét vào đầu những thông tin độc hại. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thế giới có khoảng 2,2 tỷ người ở độ tuổi dưới 18, 1/3 số người sử dụng Internet trên thế giới là trẻ em, khiến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội, từ đó dẫn đến hàng loạt các cạm bẫy:
- Bị bắt nạt hoặc lộ lọt thông tin trên mạng
- Bị lừa đảo hay thậm chí bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng
- Bị tiêm nhiễm và hành xử theo những nội dung xấu, độc hại trên mạng
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU):
- Khoảng 30% trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên mạng nhưng chỉ 7% trong số đó can đảm nói với cha mẹ, còn lại vì sợ hãi hoặc sợ bị hạn chế sử dụng Internet nên đã im lặng.
- 3 trong 4 trẻ em khi sử dụng Internet sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân một cách thoải mái cho người lạ.
- Hơn 60% trẻ em và thanh thiếu niên dành thời gian lên mạng để tham gia chat trực tuyến.
- Ở Trung Quốc, 44% trẻ em từng bị tiếp cận bởi những người lạ trên mạng và 41% chủ yếu nói về vấn đề tình dục.
- Ở Anh, 57% trẻ em từ 9 đến 19 tuổi từng xem nội dung khiêu dâm trực tuyến, 33% bị bắt nạt trực tuyến.
- Tại Hàn Quốc, 90% gia đình kết nối băng thông giá rẻ tốc độ cao. Hơn 30% trẻ em dưới 18 tuổi có nguy cơ nghiện Internet, dành 2 giờ/ngày hoặc nhiều hơn để lên mạng.
- Ở Pháp, 72% trẻ em lên mạng khi ở một mình. Trong khi 85% cha mẹ biết về ứng dụng kiểm soát dành cho phụ huynh thì chỉ 30% người cài đặt.
Còn tại Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em (số liệu đến ngày 01/04/2019 của Tổng Cục Thống kê) trong đó khoảng 2/3 có cơ hội tiếp cận với Internet. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế, có đến 96,9% trẻ em Việt Nam sử dụng mạng Internet cho nhiều mục đích như: học hành/nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), giải trí/đọc tin tức (70,9%), giao lưu/kết nối bạn bè (71,2%) và trò chơi điện tử/trực tuyến (58,7%).
Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, tiếp cận Internet qua các thiết bị như điện thoại/máy tính cá nhân (57,8%), thiết bị của người thân (45,3%), ở trường (23,6%) và ngoài quán Internet (13,5%)
Trong ba năm qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Những con số trên chưa phản ánh chính xác nhưng cho thấy sự hiện hữu của những hiểm họa từ Internet đối với trẻ em.
Làm thế nào để trẻ em có “sức đề kháng” trên môi trường mạng?
Cần khẳng định rằng, không có một biện pháp nào có thể giám sát 24/7, cũng như không có công cụ nào giúp phòng tránh 100% những thông tin độc hại. Vậy để trẻ em có một “hệ miễn dịch” khỏe mạnh trên mạng cần phải có góp sức của cả xã hội.
Gia đình là nơi gần gũi nhất, vì vậy, các bậc phụ huynh hãy:
- Luôn là một người bạn bên cạnh và hướng dẫn trẻ cách kết bạn, giao tiếp và ứng xử trên mạng an toàn và lành mạnh
- Theo dõi nội dung mà con truy cập qua các phần mềm hỗ trợ quản lý trẻ em sử dụng Internet hoặc phương pháp thủ công như kiểm tra lịch sử truy cập mạng, kiểm soát thời lượng trẻ sử dụng Internet, từ đó sớm nhắc nhở, chỉ dẫn kịp thời.
- Hỗ trợ để con cởi mở chia sẻ thông tin với cha mẹ, thầy cô khi gặp những vấn đề trên mạng
- Tôn trọng quyền tự do cá nhân, bảo vệ thông tin và quyền riêng tư của các con trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô và bạn bè hãy luôn đồng hành:
- Tạo một không gian học tập và lành mạnh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để trẻ em tham gia
- Tổ chức các chương trình, cuộc thi nâng cao kiến thức và nhận thức khi truy cập Internet an toàn
Sự chung tay của các công ty công nghệ, các trang mạng xã hội:
- Áp dụng các chính sách riêng cho trẻ em trên không gian mạng, xây dựng các ứng dụng, nội dung phù hợp với từng lứa tuổi
- Kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải lên mạng xã hội, phát hiện và ngăn chặn sớm các nội dung độc hại
- Phát triển các giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tích hợp thêm tính năng giúp phụ huynh giám sát việc học trực tuyến của con em trên các thiết bị điện tử
- Hỗ trợ phản ánh các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng, kết hợp với Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111
Đối với các cơ quan nhà nước, pháp luật:
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 830 về chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng và có sự tham gia của các bộ, ban, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an.
Trong đó, Bộ Công an có nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và lực lượng nghiệp vụ áp dụng các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em. Đây được coi là những biện pháp mạnh tay của Chính phủ để bảo vệ những công dân số – tương lai của đất nước.
Có thể nói, sự kết hợp của gia đình, nhà trường, xã hội và cơ quan, đoàn thể, pháp luật sẽ là những liều vắc-xin số hữu hiệu, tạo cho trẻ em những kỹ năng cần thiết, dần dần hình thành một “sức đề kháng tự nhiên” miễn nhiễm với những cạm bẫy trên không gian mạng.
Theo WhiteHAT