Đề xuất quy chế sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính và hoạt động duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin được đầu tư.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay thực trạng sử dụng chương trình máy tính không có bản quyền hợp pháp còn diễn ra phổ biến, xâm hại tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, sự phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, việc bảo trì các hệ thống thông tin sau đầu tư là cần thiết nhằm duy trì, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn; tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định nội dung công việc bảo trì; xác định dự toán đối với hoạt động bảo trì và xác định nguồn kinh phí để thực hiện bảo trì (nhiều hệ thống thông tin có yêu cầu kinh phí bảo trì tương đối lớn).

Do vậy, việc ban hành quy định về việc sử dụng phần mềm có bản quyền và hoạt động bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin sau đầu tư là cần thiết. 

Đề xuất 2 cách thức mua sắm bản quyền phần mềm

Dự thảo Quy chế này quy định về việc sử dụng bản quyền phần mềm trong phạm vi mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến (máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay hoặc thiết bị điện tương đương).

Về cách thức mua sắm bản quyền phần mềm, dự thảo nêu rõ, việc mua sắm bản quyền phần mềm được thực hiện theo phương thức sau: 1. Tổ chức mua sắm tập trung trong phạm vi của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với phần mềm mà nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc cùng có nhu cầu sử dụng; 2. Tổ chức mua sắm trong nội bộ của đơn vị dự toán các cấp để phục vụ công việc thường xuyên, công tác chỉ đạo, điều hành.

Lý do đề xuất là quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc tổ chức mua sắm bản quyền phần mềm dựa trên khả năng và nhu cầu thực tế của từng cơ quan, đơn vị; không tạo sức ép đối với ngân sách nhà nước trong trường hợp tổ chức mua chung bản quyền trên toàn quốc; các cơ quan, đơn vị chủ động hơn và không phải chờ đợi mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc trong khi hoạt động và công việc thường nhật đòi hỏi sử dụng phần mềm. 

Đối với quy định về hoạt động duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin được đầu tư, dự thảo nêu rõ: Hoạt động bảo trì hệ thống thông tin bao gồm hoạt động bảo trì phần cứng; bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm.

Về kinh phí bảo trì các hệ thống thông tin: Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng hệ thống thông tin tổ chức thực hiện bảo trì theo quy định về kế hoạch bảo trì, nội dung công việc bảo trì. Dự toán bảo trì hệ thống thông tin được xác định trên cơ sở báo giá thị trường phù hợp với nội dung công việc bảo trì cụ thể trong kế hoạch bảo trì được duyệt; hoặc khối lượng các công việc xác định trong kế hoạch bảo trì được duyệt và đơn giá, định mức theo quy định để thực hiện khối lượng công việc đó.

Kinh phí cho việc bảo trì các hệ thống thông tin là kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (đối với đơn vị sự nghiệp công lập là nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị). Kinh phí bố trí cho việc bảo trì phải đảm bảo: Đối với phần mềm thương mại: phù hợp chính sách của nhà cung cấp theo hợp đồng mua sắm (nếu có);

Đối với phần cứng, phần mềm nội bộ: không thấp hơn 05% giá trị mua sắm, đầu tư của phần cứng, phần mềm nội bộ (bao gồm cả giá trị đầu tư ban đầu; giá trị đầu tư nâng cấp, mở rộng các hệ thống thông tin (nếu có) và yếu tố trượt giá của giá trị mua sắm, đầu tư tính đến thời điểm lập dự toán bảo trì).

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo: Baochinhphu.vn

Bình chọn